Bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp?

1. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là gì?

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là loại bảo hiểm có tác dụng bảo vệ doanh nghiệp khi phát sinh kiện tụng hay bồi thường với chi phí cao từ các rủi ro thuộc hoạt động nghề nghiệp.

Vai trò của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là bảo vệ các chi phí pháp lý và bồi thường thiệt hại do sơ suất trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp; dẫn đến các hậu quả ngoài ý muốn.

Loại bảo hiểm này có ưu điểm là chi tiết và toàn diện hơn so với các loại bảo hiểm khác; giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về tài chính khi phát sinh vấn đề phải đền bù thiệt hại.

2. Đối tượng sử dụng gói bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Đối tượng tham gia gói bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp gồm có:

– Các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

– Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Doanh nghiệp bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp:

Các trường hợp doanh nghiệp bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bao gồm:

– Tổ chức hành nghề luật sư.

Khoản 17 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định: “Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.

Như vậy, tổ chức hành nghề luật sư bắt buộc phải mua bảo hiểm cho luật sư của tổ chức mình thông qua hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người được bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng.

– Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam theo quy định tại Điều 92 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp để tránh các trường hợp như: nhân viên tư vấn sai cho khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm không đủ bảo vệ những rủi ro, tổn thất hoặc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm không đủ khả năng bồi thường,…

– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

– Nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 Luật Xây dựng 2014, nhà thầu tư vấn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên.

Một số loại bảo hiểm chỉ bảo vệ người mua bảo hiểm khi xảy ra tổn thương về thể chất hoặc tinh thần. Còn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra cả những vấn đề về: thiết kế kỹ thuật, thuyết minh, tổng dự toán công trình, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi tiết, khảo sát ước tính không đủ lượng bê tông cần thiết, kiến trúc công trình xây dựng không đáp ứng được các yêu cầu chức năng,…

– Công ty chứng khoán.

Công ty chứng khoán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty theo quy định tại Khoản 7 Điều 71 Luật Chứng khoán 2006.

– Công ty quản lý quỹ.

Tương tự công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải mua bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên quản lý quỹ tại công ty theo quy định của pháp luật hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư khi có sự cố kỹ thuật và sai sót của nhân viên quản lý quỹ trong quá trình tác nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán 2006.

Nếu không mua loại bảo hiểm này, trong trường hợp xảy ra rủi ro hay xung đột lợi ích, công ty quản lý quỹ có thể không đủ năng lực để bồi thường tổn thất.

– Doanh nghiệp thẩm định giá.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 38/2014/TT-BTC, doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại (nếu có) do doanh nghiệp thẩm định giá gây ra cho người sử dụng kết quả thẩm định giá. Người sử dụng kết quả thẩm định giá là khách hàng thẩm định giá hoặc là bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

– Tổ chức hành nghề công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Công chứng 2014.

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Thời điểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được thực hiện chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng được đăng ký hành nghề.

– Cơ sở và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định tại Điều 78 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện, cơ sở giám định y khoa, phòng khám đa khoa…) và người hành nghề (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên, lương y…) phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định chi tiết tại Nghị định 102/2011/NĐ-CP.

3. Mức trách nhiệm, thời gian hiệu lực và phạm vi bồi thường

Khi tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề sau:

– Mức trách nhiệm bảo hiểm và thời hạn hiệu lực dựa vào các thỏa thuận được ghi trong hợp đồng.

– Phạm vi bồi thường của bảo hiểm chỉ thực hiện trong khoản thời gian ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm các thiệt hại như:

+ Tính mạng.

+ Tai nạn lao động khi làm việc tại doanh nghiệp.

+ Kiện tụng, khiếu nại, tranh chấp…

4. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bồi thường khi thuộc một trong các trường hợp sau đấy:

– Thiệt hại do hành động bất cẩn, sai sót ngoài chuyên môn.

– Thiệt hại liên quan đến thuế.

– Thiệt hại do vi phạm pháp luật nước ngoài.

– Thiệt hại do nhân viên của doanh nghiệp vi phạm trách nhiệm liên quan đến việc quản lý sổ sách, kế toán, chuyển giao tài sản.

– Bị khiếu nại bồi thường do doanh nghiệp có hành vi phỉ báng hoặc vu cáo.

– Doanh nghiệp được bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản.

– Doanh nghiệp làm mất tài liệu bảo mật hoặc vô tình tiêu hủy khi được giao phó.

– Doanh nghiệp hoặc nhân viên do doanh nghiệp thuê có hành vi cố tình gây thiệt hại để lừa đảo bảo hiểm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác gây thiệt hại.

– Thiệt hại gián tiếp hoặc trực tiếp do ô nhiễm không khí, nguồn nước hoặc đất gây ra.

– Thiệt hại do chiến tranh, xâm lược, hành động thù địch của nước ngoài, nội chiến, khủng bố, nổi loạn, cách mạng, nổi dậy hoặc đảo chính.

– Thiệt hại do bị phạt, trừng phạt hoặc cảnh cáo theo quy định pháp luật.

– Thiệt hại phát sinh do tăng mức bồi thường.

– Trách nhiệm tự chịu theo các điều khoản thỏa thuận của hợp đồng hoặc tự chịu trách nhiệm do không có quy định trong hợp đồng.

5. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư hay còn gọi là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm là loại bảo hiểm bắt buộc do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

Trong thực tiễn hành nghề luật sư, đã có nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại về những thiệt hại nảy sinh từ việc tư vấn pháp luật không đúng của luật sư, về việc luật sư làm mất tài liệu, chứng từ có giá trị… Vì thế, nhu cầu về việc luật sư có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không chỉ xuất phát từ sự đảm bảo việc bồi thường cho khách hàng khi luật sư tư vấn sai, sai phạm trách nhiệm nghề nghiệp do bất cẩn hoặc khinh suất phạm phải, mà còn nâng cao uy tín xã hội của chính luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, tạo được sự tin cậy nơi khách hàng đến nhờ tư vấn.

Nội dung của hợp đồng bảo hiểm:

Các điều khoản, hạn mức trách nhiệm, các điểm loại trừ và các điều kiện khác được quy định trong Đơn bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm và trên cơ sở người được bảo hiểm đã nộp đủ tiền bảo hiểm.

Các khoản chi phí người được bảo hiểm đã chi ra với sự đồng ý bằng văn bản của người bảo hiểm để biện hộ và/hoặc giải quyết bồi thường.

Các trường hợp được coi là sự kiện phát sinh trách nhiệm của Công ty bảo hiểm chi trả các khoản bồi thường cho người được bảo hiểm, có thể bao gồm:

– Trách nhiệm pháp lý phát sinh vì những điều lăng mạ hoặc vu khống do những văn bản hoặc lời nói của người được bảo hiểm, hoặc nhân viên của người được bảo hiểm.

– Trách nhiệm pháp lý phát sinh từ sự kiện mất mát, bị tịch thu hoặc bị hư hỏng đối với các tài liệu1 thuộc quyền nắm giữ hoặc kiểm soát của người được bảo hiểm hoặc từ bất kỳ một cơ sở hoạt động nào; hoặc đang trong quá trình chuyển giao cho người nhận hay người đại diện của họ ở bất kỳ nơi nào bằng con đường bưu điện.

Mức phí bảo hiểm

Hiện chỉ có một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép kinh doanh loại hình bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư, như tại Tp.HCM có 23 doanh nghiệp, tại Hà Nội có 07 doanh nghiệp…theo hướng dẫn tại Công văn 3103/BTP-BTTP năm 2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.

Mức phí tầm vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho một luật sư trên một năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo